Văn hóa Quần_đảo_Faroe

Quốc khánh của Faroe gọi là ngày Ólavsøka gồm 2 ngày 28 và 29 tháng 7 (ngày Thánh Olav, vua Na Uy, chết 29 tháng 7 năm 1030). (Ólavsøka là tiếng Faroe thay cho tiếng Latin Vigilia sancti Olavi và có nghĩa "Đêm canh thức trước lễ thánh Olav"). Trong ngày này, nghị viện đã tồn tại hàng ngàn năm bắt đầu khai mạc khóa họp hàng năm theo đúng truyền thống. Toàn thể nghị viên, thành viên trong nội các tự trị, giám mục và mọi mục sư cùng các viên chức cấp cao tham dự một cuộc rước long trọng từ trụ sở nghị viện tới nhà thờ chính tòa Tórshavn để dự lễ Thánh Olav, sau đó trở lại nghị viện và chủ tịch nghị viện đọc diễn văn khai mạc khóa họp. Dân chúng từ khắp các đảo đều kéo về thủ đô Tórshavn tham dự lễ hội này. Sự kiện này cũng phản ánh quan hệ từ xưa giữa nghị viện và giáo hội.

Trong ngày 28 tháng 7 có cuộc đua thuyền của người Faroe tại thủ phủ Tórshavn. Đây là cuộc đua thuyền cuối cùng và lớn nhất trong năm để tranh chức vô địch. Trong dịp này cũng có một cuộc triển lãm lớn tại Nhà văn hóa Bắc Âu của Faroe và một cuộc hòa nhạc lớn.

Người Faroe có điệu múa dân tộc theo dây chuyền và các bài dân ca lâu đời.

Ngôi làng kỳ cựu Kirkjubøur ở cực nam của đảo Streymoy đã được cơ quan UNESCO liệt vào danh sách di sản văn hóa thế giới. Trong suốt thời trung cổ, làng này là nơi có trụ sở của giáo phận công giáo từ thế kỷ 11, do đó là trung tâm tinh thần và văn hóa của quần đảo. Hiện nay còn ngôi nhà thờ cổ mang tên Thánh Olav (từ thế kỷ 12) và di tích nhà thờ chính tòa Thánh Magnus (từ thế kỷ 14). Từ năm 1557, sau khi cải sang đạo Tin Lành thì khu trụ sở giáo phận Công giáo cũ biến thành khu nông trại nhà vua (roystovan), nơi gia tộc nông dân Patursson vẫn còn sinh sống tới ngày nay trải qua 17 thế hệ. Nông trại này lớn nhất và gia tộc Patursson cũng nổi tiếng nhất Faroe. Nhiều nhân vật chính trị, văn hóa của Faroe đã xuất thân từ gia tộc này.